"Theo truyền thống, các thánh được tôn kính trong Giáo Hội và các di hài đích thực cũng như hình ảnh của các ngài vẫn được sùng kính"
Về vấn đề tôn kính thánh tích, thật ra, đây là một truyền thống đã có từ những thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh. Vào thế kỷ thứ 4, Thánh Basiliô viết rằng "bằng cách chạm đến các di hài của một vị tử đạo, người ta dự phần vào sự thánh hoá và được ơn từ đó". Công đồng Vatican II lập lại truyền thống cổ xưa này của Giáo Hội: "Theo truyền thống, các thánh được tôn kính trong Giáo Hội và các di hài đích thực cũng như hình ảnh của các ngài vẫn được sùng kính" (Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 111).
Giáo Hội công nhận có 3 loại di hài của các thánh. Di hài hạng nhất là xương của các ngài (ex ossibus). Di hài hạng hai là quần áo và đồ dùng của các ngài như cuốn sách lễ hay cỗ tràng hạt. Loại di hài thứ ba là những miếng vải đã được chạm đến di thể các ngài.
Tại Rôma, trong thế kỷ thứ 1, các ngôi mộ của những vị tử đạo được đào ở dưới lòng đất mà chúng ta hay gọi là hang toại đạo (catacombs). Mặc dầu, Giáo Hội yêu cầu không được dời di hài của các vị tử đạo nhưng vì đến thế kỷ thứ 8 khi quân Lombácđi và Saraxen xâm lăng Rôma và bắt đầu phá hủy các hang toại đạo thì di thể các vị tử đạo được đưa vào bên trong thành Rôma cho an toàn.
Một trong những di thể của các thánh tử đạo này là của Thánh Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội. Di hài của thánh nhân sau đó đem lại những phép lạ khi được đưa đến các thành phố ở Âu châu, Phi châu, và được các tín hữu hết sức sùng mộ. Kể từ đây, khi một nhà thờ được thánh hiến cho một vị tử đạo nào đó thì di hài của ngài phải được đặt dưới bàn thờ. Sau này, Giáo Hội đặt di hài của cả những thánh hiển tu (không phải tử đạo) dưới các bàn thờ. Tuy nhiên, kể từ năm 1977, Giáo Hội không còn bắt buộc những nhà thờ mới xây phải đặt di hài của các thánh mặc dầu vẫn khuyến khích duy trì truyền thống tốt đẹp này.
Ðể biết chắc di hài đó là thật hay giả, Toà Thánh giao nhiệm vụ này cho Bộ Phong Thánh. Khi một người đạo đức tốt lành được phong thánh, một phần di thể vị thánh này được đưa về Vatican kèm theo lời xác thực của giám mục địa phương hay của bề trên nhà dòng nếu thánh đó là một tu sĩ. Tại Vatican, hai linh mục thuộc Dòng Augustine có bổn phận chuẩn bị những di hài nhỏ này để sùng kính.
Cho đến năm 1352 dưới triều Giáo hoàng Innôxentê VII, do một số giám mục địa phương không điều tra xem thử di hài vị thánh là thật hay giả nên có tình trạng những tay lừa lọc bán xương các tín hữu bình thường đã qua đời như thể là xương các thánh tử đạo thời xưa. Do sự lạm dụng này mà sau đó những di hài nào muốn được chứng thực là thánh tích phải được thử bằng cách bỏ vào trong lửa. Nếu di hài đó còn nguyên vẹn một cách lạ lùng, điều đó chứng tỏ là thánh tích thật. Ngày nay, Toà Thánh không còn áp dụng biện pháp này nữa vì đã có sự điều tra rõ ràng.
Tuy nhiên điều quan trọng trong việc sùng mộ thánh tích là nhận ra đây là một trong những cách thế Thiên Chúa giúp cho con người đạt đến thực tại siêu nhiên. Qua thánh tích, người ta có thể cảm thấy gần gũi hơn với vị thánh mình hằng yêu mến và hiểu biết hơn lẫn nhìn nhận giá trị cuộc đời và sứ mạng của các ngài. Cách tôn sùng thánh tích đúng đắn nhất là phải nhìn qua điều hữu hình và vật chất để khám phá thấy tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa hoạt động trong vị thánh. Do đó, việc sùng kính đích thực thánh tích của các Thánh phải đưa người ta về với Thiên Chúa và cho phép tình yêu của Ngài vào trong cuộc đời mình qua lời cầu bàu của các các Thánh.
Ảnh tiêu đề : Hai Thánh tích của Thánh Antôn (xương sườn và mẩu da mặt) được trưng bày tại giáo xứ Thánh Gioan Bosco tại Chicago. Thánh Antôn sinh năm 1195 và qua đời năm 1231
Facebook: Chiến Sỹ Kitô
Bình luận