H ỏi: Các vật được dùng làm lễ tế có đặc điểm gì? Đ áp: Chúng phải TOÀN VẸN 1. Từ thời xa xưa, người ta đã ý thức là mình phải dâng cho Thiê...
Hỏi: Các vật được dùng làm lễ tế có đặc điểm gì?
Đáp: Chúng phải TOÀN VẸN
1. Từ thời xa xưa, người ta đã ý thức là mình phải dâng cho Thiên Chúa những của lễ tốt nhất. Đó là sản phẩm đầu mùa của nông sản, là con đầu lòng của các loài vật. Vì sao lại có tư duy như thế? Thưa là vì chỉ có những gì tốt nhất mới xứng đáng để dâng lên Thiên Chúa. Và người ta cũng hiểu rằng nhờ Chúa mà họ mới có những sản phẩm ấy. Dâng lễ vật như vậy vừa chứng tỏ lòng biết ơn, lại vừa chứng tỏ sự thần phục của con người với Chúa.
2. Hai chữ “toàn vẹn” nói đến đặc điểm của lễ vật. Trong Cựu ước, các sách Xuất hành, Lê-vi, Dân số và Ê-dê-ki-en tổng cộng đã nhắc lại hai chữ này đến 45 lần mỗi khi miêu tả các lễ vật được dâng cho Chúa.
Các con vật được dâng trong các hy lễ (hy lễ toàn thiêu, hy lễ kỳ an, hy lễ đền tội, hy lễ tạ tội) thường là bò, cừu (chiên), dê, đôi khi là chim. Ngoại trừ đôi chim, các loài súc vật phải toàn vẹn – nghĩa là chúng không được có bất kì khiếm khuyết nào về thể lý, không bị tật tự nhiên hay do tai nạn, cũng không bị thiến. Tóm lại, chúng phải được gìn giữ một cách kỹ lưỡng hết sức có thể nếu người ta có ý định dâng nó lên Chúa. Theo sách Lê-vi, dâng một thứ của lễ khiếm khuyết là bất xứng với Chúa.
Hình ảnh các con vật toàn vẹn của Cựu ước cũng báo trước về Chúa Ki-tô, là của lễ đích thực, của lễ toàn vẹn nhất đẹp lòng Thiên Chúa, hơn mọi thứ lễ vật mà con người dâng cho Ngài.
3. Chúng ta học được bài học về cách ứng xử với Chúa từ sách Lê-vi. Đó là, khi muốn dâng hiến cho Chúa điều gì, thì cũng phải cố gắng chọn điều tốt nhất. Cho dù của lễ là sản phẩm hay là chính chúng ta, thì của lễ ấy cũng phải thật xứng đáng. Người ta đâu có đem những thứ tồi tệ cho người mình thương yêu, thì tại sao lại dâng cho Chúa những “thứ kém chất lượng”. Bởi vậy, ta hãy cố gắng trở nên “toàn vẹn” và “thánh thiện” hết mức có thể để phần nào xứng đáng với tình yêu của Chúa dành cho ta.
Nguồn: Đa Minh Ngọc Giám
Bài đọc: Thuy Duong Tran
Bình luận